Bách bệnh từ “sinh khí” mà ra
Có một vị phu nhân, thường vì những chuyện vặt vãnh mà sinh nóng giận. Có một ngày bà đi tìm một vị cao tăng thỉnh giáo. Cao tăng nghe xong, liền dẫn bà đến một gian thiền phòng, khóa cửa lại rồi rời đi.
Vị phu nhân tức giận chửi mắng ầm ĩ một hồi, cao tăng cũng không để ý tới. Rồi bà lại bắt đầu cầu khẩn, cao tăng vẫn ngoảnh mặt làm ngơ. Vị phu nhân cuối cùng đành phải im lặng.
Cao tăng ở bên ngoài cửa hỏi: “Bà còn tức giận không?”. Vị phu nhân nói: “Tôi chỉ tức giận chính mình, sao lại đến cái nơi quỷ quái này để chịu tội khổ không biết!”.
Cao tăng phẩy tay áo rời đi, nói vọng vào: “Người mà ngay cả chính mình cũng không chịu tha thứ, thì làm sao tâm có thể phẳng lặng như mặt nước được đây?”
Một lát sau, cao tăng lại hỏi: “Bà còn tức giận không?”. Vị phu nhân nói: “Hết rồi, tức giận để làm gì cơ chứ?”.
“Tức giận cũng có làm gì được đâu!”, cao tăng lại rời đi.
Lúc cao tăng trở lại lần thứ ba, vị phu nhân nói với ông: “Tôi hết tức giận rồi, bởi vì không gì đáng để tức giận”. Cao tăng cười nói: “Bà còn biết nó có đáng hay không, xem ra trong nội tâm vẫn còn cái gốc rễ của khí”.
Một hồi sau, đang lúc cao tăng đứng ở trước cửa ngắm trời chiều. Vị phu nhân hỏi: “Đại sư, khí là gì vậy?”. Cao tăng đổ nước trà vào trong tay làm rơi vãi khắp đất, vị phu nhân nhìn thật lâu chợt tỉnh ngộ, cảm tạ rồi rời đi.
Sinh mệnh của chúng ta cũng giống như chén nước trà trong tay vị cao tăng kia, chỉ trong giây lát đã hòa vào trong đất. Năm tháng ngắn ngủi như thế, những việc nhỏ nhặt trong đời đâu có đáng giá để chúng ta uổng phí thời gian mà đi tức giận?
Đôi khi trong cuộc sống, chúng ta vì những việc nhỏ nhặt mà tức giận, đơn giản là vì tranh giành cao thấp, hơn thua mạnh yếu, nhưng cuối cùng đều không ai chiến thắng cả. Bạn có thể thắng ở việc này, nhưng có thể lại thua ở việc khác. Lúc bạn nhắm mắt từ giã thế gian này, dù có là ai thì cũng đều giống nhau, chỉ là hai bàn tay trắng.
Đời người quan trọng nhất là làm được một chút việc gì đó mà bản thân cảm thấy có ý nghĩa, không nên tốn thời gian đi tranh danh đoạt lợi, không nên cứ lại hơn thua vì một câu nói mãi thế. Người có tu dưỡng chân chính sẽ biết nén cơn tức giận này xuống. Biết kiểm soát được nóng giận mới có thể khiến sự tình trở nên tốt hơn, mới có thể khỏe mạnh và trường thọ.
Nếu để bạn mắc bệnh nhẹ một tuần, bạn sẽ phát hiện tiền tài không còn là quan trọng, chỉ có gia đình và thân thể mới là đáng quý.
Nếu để bạn mắc bệnh nặng một tháng, bạn sẽ phát hiện tiền tài đặc biệt không hề quan trọng, thân thể và người nhà mới là trọng yếu.
Nếu để bạn mắc bệnh nặng nửa năm, đoán chừng bạn sẽ sẵn lòng buông bỏ hết thảy tiền tài và danh lợi, chỉ có thân thể mới là thứ quan trọng nhất.
Đáng tiếc là, thế giới này đại bộ phận mọi người đều như thế, vết sẹo lành rồi lại vội quên đi nỗi đau, kể cả tôi và bạn, cho nên, khi đọc tới đoạn này, tôi càng thêm kiên định mà biết rằng, trong cuộc đời, điều gì mới là quan trọng nhất. Tôi càng thêm minh bạch rõ ràng, người ta nên bình thản mà sống, khỏe mạnh, hạnh phúc mới là quý giá nhất.
Người thông minh dùng 100 phần tiền để dưỡng sinh, 50 phần tiền mua bảo hiểm, 10 phần tiền khám bệnh, 1 phần tiền cấp cứu. Người ngu ngốc dùng 1 phần tiền để dưỡng sinh, 10 phần tiền uống thuốc, 50 phần tiền khám bệnh, 100 phần tiền cấp cứu.
Đại đa số mọi người, lúc 1-2 năm cuối đời sẽ tiêu hết tiền tích góp cả đời, chịu đựng tất cả các loại tác dụng phụ của thuốc tây, hơn nữa còn bị mổ vài lần, rồi mới rời đi.
Vậy phải đối phó với bệnh tật như thế nào? Đáp án chính là ở chỗ phòng bị.
Tức giận và tuổi thọ liên quan như thế nào?
Hoa do tưới nước quá nhiều mà chết, cá ăn bể bụng mà chết, người vì tức khí mà chết. Bạn kiểm soát được cơn nóng giận được bao nhiêu, thì sẽ có thể sống thọ được tới đó.
Nghiên cứu do các nhà khoa học tại Đại học bang Iowa (Mỹ) thực hiện. Họ cho rằng 25 % những người dễ nổi nóng nhất có nguy cơ chết sớm cao gấp 1,57 lần những người bình tĩnh.
Theo một nghiên cứu trước đây từng được công bố thì giải thích rằng sự tức giận có liên quan đến nhiều tác động sinh học tiêu cực đến cơ thể. Điển hình là tình trạng xơ vữa động mạch, có thể khiến sức khỏe trở nên nghiêm trọng và tăng nguy cơ tử vong do đau tim, theo Daily Mail.
Nghiên cứu được tiến hành trên 1.307 người đàn ông đã có gia đình và theo dõi họ từ năm 1968 đến 2007. Từ năm 1968 đến 1972, các nhà khoa học thực hiện khảo sát hằng năm bằng các câu hỏi. Tuổi những người tham gia khi ấy dao động từ 20 đến 40. Năm 1972, tuổi trung bình của họ trong nghiên cứu là 34,5.
Trên thực tế, tức giận là một dạng stress và làm gia tăng nồng độ cortisol trong máu, một loại hoóc môn làm tăng huyết áp và đường huyết.
Các nghiên cứu trước đây từng chỉ ra rằng tức giận là một dạng căng thẳng và có thể kéo dài. Nó tác động tiêu cực đến sức khỏe, có thể gây ra các bệnh về ruột, tăng nguy cơ đột quỵ, đau tim và các vấn đề tim mạch khác