1. Đối với người khỏe mạnh
Hiện nay vẫn chưa có một giới hạn nào về số lượng trứng nên ăn mỗi tuần cho những người khỏe mạnh, tuy nhiên theo các chuyên gia những người khỏe mạnh có thể ăn 7 quả trứng mỗi tuần mà không gây ảnh hưởng đến sức khỏe tim mạch.
Theo Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ, những người khỏe mạnh có thể bố sung tối đa 1 quả trứng mỗi ngày đảm bảo chế độ ăn uống lạnh mạnh cho tim, làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim và đột quỵ với điều kiện bạn phải tuân thu theo một chế độ ăn uống cân bằng.
Bên cạnh đó, bạn cũng cần xem xét số lượng trứng nên ăn trong ngày với những thực phẩm kết hợp khác. Nguyên nhân là bởi, khi ăn quá nhiều trứng và những thực phẩm chứa nhiều chất béo bão hòa và cholesterol cùng một lúc có thể ảnh hưởng đến sức khỏe nên bạn phải cân nhắc số lượng trứng sao cho phù hợp. Nếu không bạn cũng có thể cân nhắc đến việc chỉ ăn lòng trắng trứng với mục đích chỉ bổ sung protein cho cơ thể mà không dung nạp thêm cholesterol.
2. Đối với người bệnh
– Những người bị bệnh tiểu đường loại 2: Mỗi tuần họ có thể ăn tối đa 7 quả trứng với điều kiện đang tuân thủ chế độ ăn ít chất béo bão hòa. Tuy nhiên, vì mỗi bệnh nhân lại có tình trạng sức khỏe khác nhau nên tốt nhất là những người bệnh tiểu đường loại 2 chỉ nên ăn từ 4-5 quả trứng mỗi tuần hoặc không ăn quá 1 quả trứng mỗi ngày đồng thời hỏi ý kiến bác sĩ đang điều trị bệnh.
– Những người có chỉ số cholesterol LDL (cholesterol có hại) cao: Tối đa 7 quả trứng/tuần, nhưng tốt nhất là bạn không nên ăn quá 1 quả trứng mỗi ngày hoặc 4–5 quả trứng/tuần.
– Những người mắc hoặc có nguy cơ mắc các bệnh về tim: Tối đa 7 quả trứng/tuần với điều kiện đang áp dụng một chế độ ăn ít chất béo bão hòa. Trong trường hợp, bạn vẫn áp dụng chế độ ăn bình thường thì chỉ nên 3-4 quả trứng/tuần, trong đó số lòng đỏ tối đa được tiêu thụ là 4 lòng đỏ/tuần.
3. Đối với người cao tuổi
Những người trên 65 tuổi thường lo lắng về việc mỗi ngày ăn 1 quả trứng có thể làm tăng nguy cơ khiến cho cholesterol trong cơ thể tăng cao. Trên thực tế, đối với những người từ 65 tuổi trở lên thì lượng cholesterol sẽ ít bị ảnh hưởng bởi chế độ ăn uống hơn so với những người ở độ tuổi 30 trở xuống. Vì vậy, những người cao tuổi có mức cholesterol bình thường thì có thể thoải mái ăn 1 quả trứng mỗi ngày, thậm chí một số người cao tuổi khỏe mạnh có thể ăn tối đa là 2 quả trứng mỗi ngày. Do đó, điều quan trọng nhất là bạn nên xem xét kỹ về tình trạng sức khỏe tổng thể để định mỗi ngày nên ăn bao nhiêu để tránh nguy cơ mắc bệnh về tim mạch.
4. Đối với phụ nữ mang thai
Các chị em phụ nữ mang thai có thể yên tâm thưởng thức trứng mà không lo về giới hạn số lượng quả tối đa nên ăn. Trứng là một trong những nguồn cung cấp protein vô cùng tuyệt vời và các vi chất dinh dưỡng của trứng rất cần thiết cho thai kỳ, đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng và năng lượng cao của thai phụ. Tuy nhiên trong trường hợp, mẹ bầu mắc các bệnh về tim, tiểu đường hay bất kỳ loại bệnh liên quan nào thì hãy trao đổi với bác sĩ để có thể cân nhắc về số lượng trứng nên ăn mỗi ngày.
5. Đối với trẻ em
Đối với trẻ em thì vẫn đề này có vẻ hơi phức tạp một chút. Nguyên nhân là bởi, so với người lớn, trẻ em có nhu cầu dinh dưỡng ít hơn nhiều, đồng thời lượng choline khuyến nghị cho trẻ em cũng không giống người lớn và thậm chí là khác nhau ở từng độ tuổi:
– Trẻ từ 7 tháng – 1 tuổi: 150mg/ngày
– Trẻ từ 1 – 3 tuổi: 200mg/ngày
– Trẻ từ 4 – 8 tuổi: 250mg/ngày
– Trẻ từ 9 – 13 tuổi: 375mg/ngày
– Trẻ từ 14 – 18 tuổi: 550mg/ngày
Trong khi đó, một quả trứng luộc lớn có thể cung cấp khoảng 147mg choline. Vì vậy, việc cho trẻ ăn 1-2 quả trứng/ngày sẽ đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng cần thiết cho trẻ nhỏ nhưng vẫn phải luôn nhớ đa dạng và cân đối dinh dưỡng cho bé.
Đối với trẻ lớn hơn, cha mẹ cần cân đối lượng choline cần thiết cho cơ thể bé từ trứng và các nguồn choline khác, như thịt heo, thịt gia cầm, cá, các sản phẩm từ sữa, hạt, quả hạch và ngũ cốc nguyên hạt.